Kết quả Chiến_dịch_phòng_thủ_Tuapse

Đài kỷ niệm chiến thắng Tuapse 1942

Chiến dịch phòng thủ Tuapse đánh dấu sự kết thúc giai đoạn tấn công của quân đội Đức Quốc xã tại Mặt trận Kavkaz. Cuộc tấn công của Tập đoàn quân 17 (Đức) vào Tuapse và các khu vực phụ cận là những cố gắng cuối cùng của Cụm tập đoàn quân A (Đức) nhằm đột phá về phía Biển Đen, phát triển một hướng tấn công mới vượt qua dãy núi Kavkaz, tiến xuống phía Nam, đến các vùng dầu mỏ trù phú của Liên Xô và vượt sang Iran, liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh còn đang trong tình trạng chưa chắc chắn của phe Trục. Với thất bại này cùng với thất bại của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) ở Mozdok, Malgobek và Nalchik trước cửa ngõ Grony và Ordzonikidze, cả hai cánh quân Đức trong Chiến dịch Edelweiß đều bị chặn lại tại bờ Bắc sông TerekDãy núi Kavkaz chính. Sau khi chịu những tổn thất lớn và buộc phải dừng lại khi còn cách Biển Đen khoảng 10 km, Tập đoàn quân 17 phải chuyển sang phòng thủ và đến hết năm 1942, đã không còn đủ sức để mở thêm bất kỳ một trận tấn công nào nữa. Thất bại này cũng làm cho Hitler phải gánh lấy trách nhiệm vì đích thân ông ta đã ra lệnh đưa quân vào Kavkaz. Ngoài thống chế Wilhelm von List bị cách chức tư lệnh Cụm tập đoàn quân A từ ngày 10 tháng 9, không một tướng Đức chỉ huy các tập đoàn quân và quân đoàn nào bị cách chức nữa. Thậm chí, ngày 22 tháng 11 năm 1942, tướng Ewald von Kleist còn được Hitler tin cẩn giao chức vụ tư lệnh Cụm tập đoàn quân A. Tướng Eberhard von Mackensen thay ông này chỉ huy Tập đoàn quân xe tăng 1.[8]

Tổng thống Nga Vladimir Putin trao bằng chứng nhận "Vinh danh thành phố quân sự" cho thành phố Tuapse ngày 6 tháng 5 năm 2008

Ngoài những cố gắng của bản thân Cụm tác chiến Biển Đen trong thời kỳ cuối chiến dịch thì những thành công mà cụm quân này giành được đã chịu ảnh hưởng thuận lợi lớn của những thành công mà quân đội Liên Xô thu được tại mặt trận Stalingrad trong các chiến dịch Sao Thiên Vương, Bão Mùa đôngSao Thổ. Biểu hiện rõ ràng nhất là từ sau ngày 24 tháng 11, Tập đoàn quân không quân 4 (Đức) đã phải dồn hầu hết lực lượng máy bay chiến đấu và máy bay vận tải để cứu nguy cho Tập đoàn quân 6 (Đức) đang bị vây hãm tại Stalingrad và yểm hộ cho các hướng phòng ngự của Cụm tập đoàn quân B (Đức) trước thế chủ tiến công của quân đội Liên Xô. Trước chiến dịch Sao Thổ, Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Sông Đông (Đức) cũng lấy đi Quân đoàn sơn chiến Alpino của quân Italia đang hoạt động ở sườn Tây Bắc dãy núi Kavkaz về đội hình của Tập đoàn quân 8 (Italia) phòng thủ tại trung lưu sông Đông. Thành công của Quân đội Liên Xô trong chiến dịch phòng thủ Tuapse còn nhờ vào kết quả cuộc phòng thủ dai dẳng và có hiệu quả của Tập đoàn quân 47 tại khu vực Novorossiysk và Tập đoàn quân 46 tại các ngọn núi cao quanh đỉnh Elbrus của dãy núi Kavkaz. Việc quân Đức buộc phải dừng cuộc tấn công vào giai đoạn cuối chiến dịch còn có một nguyên nhân khác. Khi cả hai quân đoàn bọ binh 42 và 44 (Đức) đều xuống sức, tướng Richard Ruoff vẫn không thể mạo hiểm điều Quân đoàn bộ binh xung kích 5 và Quân đoàn bộ binh 14 (phối thuộc từ Tập đoàn quân 11) ở cánh phải xuống thay thế. Bởi một lẽ đơn giản, để hổng hướng Novorossiysk có thể tạo điều kiện cho quân đội Liên Xô phản công chiếm lại Taman, một vị trí đầu cầu cực kỳ quan trọng giúp Cụm tập đoàn quân A có một con đường thứ hai để rút khỏi Bắc Kavkaz trong trường hợp con đường chính rút qua Bataisk và Rostov bị quân đội Liên Xô cắt đứt. Nhà nghiên cứu Belorussia Vladimir Vasilevich Beshanov cho rằng thánh công của các tập đoàn quân 18 và 56 (Liên Xô) là nhờ vào may mắn[2] nhưng nhà sử học Nga Aleksei Valerrievich Isaev không đồng ý với ý kiến đó. Theo ông, những yếu tố may mắn có thể có nhưng mọi diễn biến của hoạt động quân sự, như tất cả mọi diễn biến khác trong đời sống loài người đều có tính logic nhân quả của nó.[1].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_phòng_thủ_Tuapse http://militera.lib.ru/db/halder/1942_09.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/04.html http://militera.lib.ru/h/feoktistov_si/03.html http://militera.lib.ru/h/isaev_av6/06.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/07.html http://militera.lib.ru/memo/german/manstein/13.htm... http://militera.lib.ru/memo/russian/grechko_aa_1/0... http://militera.lib.ru/memo/russian/maltsev_ee/06.... http://militera.lib.ru/memo/russian/tulenev_iv/12.... http://militera.lib.ru/research/beshanov_vv/28.htm...